Chuỗi cung ứng khép kín – Closed Loop Supply Chain Management (CLSCM) Trong hai thập kỷ qua, phát triển bền vững và kinh tế xanh đã được ứng dụng trong vô số các lĩnh vực khác nhau, không loại trừ lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng.
Tại các nước phát triển, quản lý các chuỗi cung ứng bền vững hay các chuỗi cung ứng khép kín – Closed Loop Supply Chain Management (CLSCM) đạt được sự chú ý trong ngành công nghiệp và giới học thuật. Chuỗi cung ứng khép kín – CLSCM và đặc trưng. Về lý thuyết, quản lý các chuỗi cung ứng bền vững quan tâm đến việc tạo ra, sử dụng, tái chế hoặc xử lý một loại sản phẩm nào đó theo cách tuần hoàn, hay các chu kỳ khép kín lặp đi lặp lại nên được gọi là chuỗi cung ứng khép kín – (CLSCM). CLSCM đề cập đến tất cả các hoạt động logistics xuôi như mua sắm vật tư, sản xuất phân phối và logistics ngược để thu thập và xử lý trả lại (đã sử dụng hoặc chưa sử dụng) các sản phẩm hoặc các bộ phận của các sản phẩm một cách có tổ chức nhằm đảm bảo phục hồi nền kinh tế-xã hội và sinh thái bền vững (Hình 1). Hình 1: Sơ đồ chuỗi cung ứng khép kín. Các chuỗi cung ứng khép kín có tiềm năng kinh tế rất to lớn. Chi phí logistics thu hồi chiếm từ 0,51% trong tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Mỹ. Thị trường sản xuất lại các phụ tùng ô tô ở Mỹ có giá trị khoảng 36 tỷ USD, trong đó có 90-95% các động cơ và các máy phát điện dùng để thay thế đều được tái sản xuất từ các thiết bị thu hồi hoặc bỏ đi. Các nhà bán lẻ lớn, như Home Depot, có được lãi suất tới 10% doanh thu, hoặc cao hơn là nhờ vào chính sách trả hàng tự do. Năm 2009, doanh thu bán lẻ hàng hóa trên mạng tại đây đạt 165,9 tỷ USD Mỹ, tỷ lệ thu hồi hàng hóa bán lẻ trên mạng chiếm 6,3% thay đổi tùy theo loại sản phẩm và tùy thời gian trong năm. Điều tra cũng cho thấy 95% người tiêu dùng thích trả lại sản phẩm được mua trên mạng tại một địa điểm cụ thể; 43% thường sử dụng lựa chọn này nếu có thể; 54% những người lướt web ngại mua hàng trên mạng bởi vì việc trả lại và đổi hàng rất khó khăn. Rõ ràng là chuỗi cung ứng khép kín không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho DN mà còn là nhu cầu rất lớn từ phía người tiêu dùng. Sự khác biệt giữa CLSM và chuỗi cung ứng truyền thống thể hiện trên 5 khía cạnh: – Mục tiêu: Chuỗi cung ứng truyền thống nhằm vào việc giảm chi phí và nâng cao hiệu quả của DN tham dự để tối đa hóa các lợi ích kinh tế. CLSCM cũng tìm cách tối đa hóa lợi ích kinh tế nhưng dựa trên việc giảm tiêu thụ các nguồn tài nguyên và năng lượng, giảm phát thải chất ô nhiễm, mọi nỗ lực này nhằm tạo ra một DN có trách nhiệm, đảm bảo cân bằng lợi ích kinh tế, hiệu quả xã hội và tác động môi trường. – Cấu trúc quản lý của chuỗi cung ứng: Trong chuỗi cung ứng truyền thống các nỗ lực về quản lý môi trường chưa phải là một quan tâm bắt buộc. Trong CLSCM, hoạt động môi trường là bắt buộc trong quản lý nội bộ và quan hệ bên ngoài DN. – Mô hình kinh doanh: CLSCM đưa ra một mô hình kinh doanh hoàn chỉnh hơn. Các hoạt động kinh doanh, các nỗ lực logistics, quản trị chuỗi cung ứng với toàn bộ chu kỳ sống sản phẩm, tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu, thiết kế công nghiệp, sản xuất, giao hàng luôn chú trọng sử dụng nguồn năng lượng Carbon thấp và đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường. – Quá trình kinh doanh: Các chuỗi cung ứng truyền thống bắt đầu với các nhà cung cấp và kết thúc với người tiêu dùng, các dòng chảy sản phẩm là một con đường và không thể đảo ngược, còn gọi là “Cradle-to-Grave” hay là từ lúc sản phẩm sinh ra cho đến khi mất đi. Các CLSCM thay đổi phương thức quản lý này và hy vọng tìm kiếm “Cradle-to-Cradle” hay sự luân hồi. Với CLSCM, dòng lưu chuyển sản phẩm là khép kín, có khả năng phục hồi và có tính chu kỳ. Tất cả các sản phẩm phải được quản lý trong suốt toàn bộ vòng đời, và giúp cho phần “thải hồi” tìm kiếm một cuộc sống thứ hai đó là trở thành nguyên liệu có sẵn để sản xuất mới hoặc cho các mục đích khác. – Mô hình tiêu thụ: Các mô hình tiêu thụ của chuỗi cung cấp truyền thống là một sáng kiến tự nguyện chi phối bởi lợi ích của người tiêu dùng và các hoạt động kinh doanh. CLSCM có thể được thúc đẩy thông qua mua sắm xanh của chính phủ, trách nhiệm xã hội, giáo dục tiêu thụ và thực hành bền vững. Lợi ích của chuỗi cung ứng khép kín với phát triển bền vững. Các chuỗi cung ứng khép kín đưa ra các nỗ lực phối hợp các hoạt động cả về phía trước và chiều ngược lại của sản phẩm nhằm tối đa hóa các giá trị kinh tế hoặc sinh thái. Do đó ngoài các quá trình logistics xuôi truyền thống, như tìm nguồn cung ứng, sản xuất và phân phối, các chuỗi cung ứng khép kín còn bao gồm các hoạt động như tập hợp, phân loại, chọn lọc, tháo dỡ, tân trang, sửa chữa, tái sử dụng, sản xuất lại và tái sinh….. Các hoạt động này được tập hợp vào 3 nhóm lớn là Mua lại – Phục hồi – Tích hợp (Hình 2), nhờ đó giá trị của sản phẩm được phục hồi và tái sinh tại những vị trí cần thiết cũng như cả chu kỳ cung ứng. Hình 2: Các quá trình cơ bản trong chuỗi cung ứng khép kín. Nhờ vào các quá trình này mà các CLSCM mang lại các lợi ích tương thích với các mục tiêu phát triển bền vững đó là lợi nhuận DN, lợi ích môi trường và gia tăng việc làm cho xã hội. Lợi nhuận: CLSCM tạo ra nguồn lực giá rẻ thông qua việc phục hồi vật liệu, phụ tùng và các sản phẩm thải hồi. Do đó cung cấp cho các công ty cơ hội để sản xuất sản phẩm rẻ hơn với lợi nhuận cao hơn. Ví dụ, trong ngành sản xuất xe hơi, việc tái chế các bộ phận xe hơi có thể làm giảm tới 50% chi phí sản xuất, trong khi giá bán thấp hơn không đáng kể. Môi trường sinh thái: Việc thu hồi vật liệu, phụ tùng và các sản phẩm một cách khoa học và tái sử dụng chúng không chỉ làm giảm nhu cầu khai thác vật liệu và năng lượng mà còn tránh được việc chôn lấp, tiêu hủy làm ảnh hưởng tới môi trường. Trong thực tế, việc tái chế nhôm sử dụng năng lượng ít hơn 90% so với chế biến nhôm từ quặng nhôm. Tái sử dụng và sửa chữa hầu như không sử dụng bất kỳ nguồn tài nguyên tự nhiên nào trong khi lượng khí thải thấp hơn đáng kể hơn so với sản xuất. Con người: Yêu cầu phục hồi các sản phẩm tái chế tinh vi tạo ra nhiều việc làm hơn so với xử lý chất thải và bãi rác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tối ưu hóa cấu hình chuỗi cung ứng khép kín phụ thuộc nhiều vào các đặc tính của sản phẩm và các trường hợp trong đó các sản phẩm sẽ được thu thập. Mặc dù Việt nam là một quốc gia tham dự muộn hơn vào các chuỗi cung ứng nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững mà Chính phủ đặt ra, việc hình thành các chuỗi cung ứng khép kín sẽ là một trong những hướng đi cần thiết và tích cực để thúc đẩy đồng đều mọi DN trong các ngành phát triển theo hướng tận dụng tối đa các nguồn lực để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tương lai.
Комментариев нет:
Отправить комментарий